Chủ động giảm lượng giống - phân bón để giảm giá thành sản xuất lúa trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid – 19

Đăng bởi Trung tâm KNQG - 31/08/2021 01:26

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Lê Quốc Thanh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Lê Văn Thiệt đồng chủ trì Diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn có đông đảo các đại biểu ở 255 điểm cầu trực tuyến tại 24 tỉnh/thành phía Nam, gồm đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông/Dịch vụ Nông nghiệp, Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm KN/TTDVNN, các chuyên gia nông nghiệp, HTX - nông dân sản xuất lúa và một số doanh nghiệp, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam. Có 15 đơn vị báo chí phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương tham dự và đưa tin.

Khai mạc Diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết: Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phía Nam phải tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên việc thu hoạch, lưu thông cũng như xuất khẩu gạo gặp khó khăn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất lúa gạo (chuỗi cung ứng bị đứt gãy, khâu chế biến, xay xát, tồn trữ và vận chuyển bị ảnh hưởng đã kéo giá vật tư tăng quá cao, giá lúa giảm sâu).

TS Lê Quốc Thanh - GĐ TTKNQG phát biểu khai mạc Diễn đàn

 

Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến giá đầu vào sản xuất (đặc biệt là phân bón, thuốc trừ sâu) đội lên rất nhiều, gây khó khăn cho người dân khi bước vào mùa vụ. Chỉ riêng mặt hàng phân bón đã trở thành gánh nặng đối với người trồng lúa. Hiện một số loại phân bón trong nước đã tăng tới 78% so với tháng 1/2021. Nhiều mặt hàng phân bón đều tăng bình quân 200 nghìn đồng/bao (50kg). Thậm chí với mặt hàng phân kali tăng rất cao do phải nhập khẩu hoàn toàn, phân ure mức tăng cao hơn, ở vụ Đông Xuân chỉ hơn 300 nghìn đồng/bao, nhưng hiện giờ đã lên đến 550 nghìn đồng/bao.

Ông Phan Tâm – GĐ. Maketing Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết giá phân bón hiện nay tăng từ 20-24%, tùy từng sản phẩm, dẫn đến chi phí phân bón tăng 1,7 triệu đồng/ha so với năm 2020. Nguyên nhân chính là do chi phí vận chuyển tăng cao, vì vậy cần tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển phân bón để giảm giá thành.

Trước mắt, để bình ổn thị trường phân bón, ông Lê Văn Thiệt – PCT. Cục Bảo vệ thực vật cho rằng cần hạn chế nhập khẩu phân bón, tăng công suất sản xuất của các nhà máy để tăng sản lượng tiêu thụ phân bón trong nước.

Một vấn đề nữa được các đại biểu đặt ra là thực trạng nông dân trong vùng hiện đang sử dụng phân bón chưa đồng bộ và cân đối, vì vậy cần có hướng dẫn bà con kỹ thuật sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả.

Ông Trần Thái Nghiêm – PGĐ. Sở NN-PTNT Cần Thơ đề xuất: Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các gói kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa nhằm nâng cao nhận thức cho bà con hiểu rõ, để giảm lượng phân bón hợp lý; Thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng từ 3 vụ thành 2 vụ để giảm áp lực khai thác dinh dưỡng của đất, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng lúa – thủy sản, lúa – cây rau màu nhằm mang lại hiệu quả cao hơn; Các cơ quan nghiên cứu cần chuyển giao tiến bộ kỹ thuật xử lý rơm rạ trên đồng ruộng nhằm bổ sung nguồn phân hữu cơ cho đất, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong canh tác lúa như tích hợp phần mềm so lá lúa – bón phân, cải tiến một số loại máy cơ giới hóa phù hợp với thực tế đồng ruộng từng địa phương, sử dụng máy bay không người lái trong các khâu của sản xuất lúa, đặc biệt là khâu gieo giống nhằm giảm lượng giống đáng kể.

Ông Trịnh Hoàng Việt – GĐ. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Long An cho rằng: Tại nhiều địa phương đã thực hiện các biện pháp canh tác trong sản xuất lúa như “1 phải 5 giảm”, “1 phải 6 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm giảm lượng giống lúa có hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa quản lý chất lượng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, quản lý đồng ruộng và quản lý nước để mang lại hiệu quả sản xuất lúa cao hơn.

Ông Hoàng Văn Hồng – PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Thực tế hiện nay do tâm lý người nông dân vẫn lo ngại khi giảm lượng giống, phân bón sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Vì vậy cần tuyên truyền để nông dân hiểu rõ vấn đề, khi giảm lượng giống, giảm lượng phân bón nhưng năng suất không giảm. Thực tế đã chứng minh rõ, khi giảm lượng giống sẽ tăng quang hợp cho cây lúa, sâu bệnh sẽ giảm, nên giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời xác định cơ cấu phân bón phù hợp để cây lúa phát triển tốt. Việc giảm lượng phân bón phải tùy thuộc vào mật độ, giống lúa, thổ nhưỡng... để đạt năng suất tốt nhất.

Ông Hoàng Văn Hồng – PGĐ.TTKNQG phát biểu tại Diễn đàn

 

Theo ghi nhận, khi bước vào vụ Hè Thu giá lúa đã thấp hơn so với cùng kỳ, có nhiều giống lúa thấp hơn từ 300 - 500 đồng/kg. Thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá lúa tiếp tục giảm từ 200 - 400 đồng/kg. Tùy từng giống lúa mà thương lái thu mua từ 4.600 - 6.000 đồng/kg. Với giá bán như hiện nay, sau 3 tháng chăm sóc, nông dân sản xuất lãi thấp hoặc không lãi, thậm chí lỗ. Giá lúa thấp trong khi vật tư nông nghiệp như phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật... tăng cao sẽ kéo theo đời sống hàng chục triệu hộ nông dân trong vùng bị ảnh hưởng lớn.

Trước tình hình vật tư đầu vào tăng cao, giá lúa giảm mạnh nên người dân đang bắt đầu có những băn khoăn về việc có nên tiếp tục sản xuất hay không. Từ nay đến cuối năm 2021, ngành nông nghiệp phải vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 nhưng cũng phải duy trì và phục hồi sản xuất nông nghiệp không để đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm. Vì vậy, để sản xuất lúa gạo thích ứng với kịch bản dịch Covid-19 có thể kéo dài, ông Lê Thanh Tùng – PCT. Cục Trồng trọt đề xuất:

- Các bộ ngành, địa phương phải cùng vào cuộc, thống nhất lại quy trình kiểm soát dịch bệnh, cần có sự đồng lòng của cả xã hội, nhất là các doanh nghiệp sản xuất giống, vật tư nông nghiệp tích cực hỗ trợ nông dân.

- Tiết kiệm chi phí, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên áp dụng triệt để các biện pháp “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” trong sản xuất lúa. Đẩy mạnh thực hiện khung giống gieo từ 80 – 100 kg/ha. Sử dụng các loại phân đơn, tăng cường bón thêm phân lân để thay thế cho các loại phân chuyên dùng, phối trộn sẵn như DAP đang tăng giá quá cao. Giảm 50% lượng phân kali trong 1- 2 vụ lúa khi giá phân bón đang tăng cao. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật sẽ sớm có quy trình canh tác lúa trong tình hình dịch Covid 19 để hướng dẫn bà con nông dân.

Hy vọng, với sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, doanh nghiệp, những vướng mắc về sản xuất lúa sẽ sớm được tháo gỡ để bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Điểm cầu tại Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

 

Đỗ Tuấn – Thu Hằng

ĐIỆN THOẠI HỖ TRƠ: 024.37715294